Đã được cảnh báo trước về nên công nghiệp phụ trợ
Cách đây hơn 6 năm, trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, chính JETRO đã tổ chức một cuộc khảo sát, đánh giá và công bố: Việt Nam là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á theo định hướng kinh doanh trong vòng 5-10 năm tiếp theo.
Tại thời điểm đó, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam rất tin tưởng vào triển vọng tăng doanh thu xuất khẩu, trong khi các DN phi sản xuất thì kỳ vọng doanh thu sẽ liên tục được cải thiện nhờ mở rộng thị trường ở Việt Nam. Đã có tới 92,6% công ty sản xuất và 88% công ty phi sản xuất Nhật Bản trong diện điều tra cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm sau đó. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 11 quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa ra trưng cầu ý kiến DN Nhật Bản lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm đáng lạc quan như vậy, Jetro cũng chính thức cảnh báo Việt Nam đang có những dấu hiệu thua kém các nước ASEAN khác về khả năng phụ trợ công nghiệp, cung cấp nguyên liệu, phụ tùng trong nước và cơ sở hạ tầng kém phát triển. Nếu Việt Nam không có những chính sách đầu tư phát triển hợp lý, nâng cao dịch vụ hỗ trợ, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, thì trong nhiều năm tiếp theo ngôi vị quán quân sẽ mất dần vào tay các nước khác trong khu vực và việc “rút lui” của các DN đầu tư nước ngoài sẽ là điều khó tránh khỏi.
Ông Katsuyoshi – Tổng giám đốc Công ty Canon Việt Nam giãi bày: “Trên thị trường quốc tế, năm 2009, Canon đã đạt tỷ lệ nội địa hóa các loại máy in là 52% và đến năm 2013 là 67%. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, nguyên liệu sản xuất và linh kiện vẫn phải nhập khẩu nên tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 30%. Trong năm 2012, Canon đã tiếp cận với 147 nhà cung cấp linh kiện tại Việt Nam nhưng kết quả chỉ chọn được có 6 doanh nghiệp làm đối tác”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện chưa có các DN sản xuất những linh kiện phục vụ cho máy in như tấm thép mạ mỏng, chất bán dẫn… Một số sản phẩm khác có nhưng chất lượng không đạt yêu cầu, chẳng hạn như nguyên liệu nhựa, nhựa chống tĩnh điện khi thử nghiệm bị biến dạng tới 30%, hay cao su dùng trong máy in ngoại vi không đáp ứng được yêu cầu khi thử nghiệm, dẫn đến dễ bị hỏng, vỡ. Sản xuất khuôn mẫu cũng vậy, có gia tăng số lượng nhà cung cấp, nhưng DN Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% trong số các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác.
Các chuyên gia còn nhận định: Không chỉ các DN Nhật Bản gặp khó tại Việt Nam do thiếu ngành công nghiệp phụ trợ mà ngay cả với các nhà sản xuất đến từ nhiều nước khác đang đầu tư tại Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Cần chính sách đồng bộ và thiết thực
Ông Đỗ Mạnh Hồng, hiện đang công tác tại Đại học Obirin (Tokyo, Nhật Bản) và là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về lĩnh vực này cho biết: Việc ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam suốt hơn một thập niên qua không thoát khỏi trạng thái bùng nhùng là do ba nguyên nhân:
Một là bản thân chính sách hỗ trợ thiếu rõ ràng, chỉ tập trung hỗ trợ một số DN nhà nước trong lĩnh vực này. Hai là tư tưởng hỗ trợ mang tính bảo hộ của các nhà làm chính sách, cùng thái độ trông chờ hỗ trợ của DN nhà nước. Thứ ba là tình trạng hoạt động riêng rẽ và thiếu chủ động yêu cầu hỗ trợ của khối DN tư nhân – nhân vật chính của cuộc chơi kinh tế thị trường và cũng là đối tượng chính cần hỗ trợ.
Một số chuyên gia chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết: “Công nghiệp Việt Nam được ví như một cái cây, ngành công nghiệp phụ trợ chính là nước và các chất chăm bón để cây tốt tươi và phát triển. Tuy nhiên, nếu thiếu người quan tâm chăm sóc là Chính phủ và các bộ ngành thì cây khó có thể mà phát triển được. Nếu chỉ có DN tâm huyết với công nghiệp phụ trợ mà thiếu sự quan tâm từ phía Nhà nước thì chẳng bao giờ thành công”.
Một cán bộ thuộc Viện chiến lược Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã nhiều lần than thở: Ở các nước có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… công nghiệp hỗ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam, nó lại được phát động từ giới nghiên cứu và DN. Trong quá xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi đã gặp không ít sự “lạnh lẽo, nghiệt ngã” của những người có trách nhiệm.
Vị này còn cung cấp thêm: Kể từ khi Quyết định 12/2011/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành về chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ ra đời đến nay đã hơn 2 năm, nhưng chưa có dự án nào xin được ưu đãi. Có 2 dự án xin đã lâu nhưng vẫn chưa xong, có DN làm hồ sơ xin, nhưng thấy thủ tục quá phức tạp nên lại tự đầu tư. Một số chuyên gia về nền phụ trợ công nghiệp của Nhật Bản cũng nhận xét, Quyết định 12 quá chung chung và khó hiểu, các tiêu chí đều không rõ ràng vì vậy rất khó thực thi.
(trích nguồn: ddn.com.vn)